Tag Archives: thi đại học

Kĩ năng làm câu 2 điểm trong cấu trúc Đề thi ĐH-CĐ

aodaitrang08

 

Kĩ năng làm câu 2 điểm trong Đề thi ĐH-CĐ

 

1. Phân loại và nhận dạng (Nội dung)

Dạng 1: Hỏi về một chi tiết cụ thể trong tác phẩm

VD1: Câu I (2,0 điểm) ĐH C-2011

Trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những bản tuyên ngôn nào? Việc trích dẫn đó có ý nghĩa gì?

VD2: Câu I (2,0 điểm) ĐH D-2010

Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, việc nhân vật Tràng “nhặt” được vợ đã khiến cho những ai ngạc nhiên? Sự ngạc nhiên của các nhân vật đó có ý nghĩa như thế nào về nội dung và nghệ thuật?

VD3: Câu 1 (2,0 điểm) ĐH C-2012

Trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), ở phần nói về thượng nguồn sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ví vẻ  đẹp của dòng sông này với hình  ảnh hai người phụ nữ,  đó là những hình  ảnh nào?  Ý nghĩa của những hình ảnh ấy?

VD4: Câu 1 (2,0 điểm) ĐH D-2012

Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), việc Mị nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ diễn ra trong hoàn cảnh nào? Sự việc ấy có ý nghĩa gì đối với tâm lí của nhân vật Mị?

VD5: Câu I (2,0 điểm) CĐ – 2011

Trong phần đầu vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, nguyên nhân nào dẫn đến cái chết bất ngờ của nhân vật Trương Ba? Kết thúc vở kịch (cảnh VII), Hồn Trương Ba đã tự quyết định về sự sống, chết của chính mình như thế nào? Nêu ngắn gọn ý nghĩa nội dung lời thoại của nhân vật Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

VD6: Câu I (2,0 điểm) CĐ-2012

Trong đoạn kết truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, nhân vật Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục điều gì sau khi cho chữ? Câu nói “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” của viên quản ngục có ý nghĩa như thế nào?

VD7: Câu 1. (2,0 điểm) TN-2012

Trong phần cuối tác phẩm Số phận con người, nhà văn M. Sô-lô-khốp viết:

Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ…

(Ngữ văn 12, Tập hai, tr.123, NXB Giáo dục – 2008)

Hai con người được nói đến ở trên là những nhân vật nào? Vì sao tác giả gọi họ là hai con người côi cút? Hình ảnh hai hạt cát trong câu văn có ý nghĩa gì?

VD8: Câu 1. (2,0 điểm) TN-2011

 Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kĩ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?

 

Dạng 2. Hỏi về một/một số đặc điểm nổi bật (về ND hoặc NT hoặc cả hai) của tác phẩm

VD1:  Câu I (2,0 điểm) ĐH D-2011

Trong đoạn trích bài thơ Việt Bắc (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2009), Tố Hữu đã  sử dụng những phương tiện nghệ thuật giàu tính dân tộc nào? Những phương tiện  đó phù hợp với việc diễn tả tình cảm gì của người cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc?

VD2: Câu I (2,0 điểm) ĐH C-2009

Anh/chị hãy nêu những nét chính về tình cảm nhân  đạo và bút pháp nghệ thuật của Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ.

VD3: Câu I (2,0 điểm) CĐ-2010

  Anh/chị hãy nhận xét ngắn gọn về cái tôi trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.

 

Dạng 3. Hỏi về Tác giả

VD1: Câu I (2,0 điểm) ĐH C-2010

Anh/chị hãy trình bày ngắn gọn về sự đa dạng mà thống nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.

VD2: Câu I (2 điểm) ĐH D-2008

Anh/ chị hãy nêu những nét chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám. 

VD3: Câu I (2 điểm) ĐH C-2008

Anh/ chị hãy giới thiệu ngắn gọn về hai tập thơ Từ ấy và Việt Bắc của Tố Hữu.

VD4: Câu 1. (2,0 điểm) TN-2010

Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M. Sô-lô-khốp.

 

Dạng 4. Hỏi về một vấn đề văn học sử

VD1: Câu I (2,0 điểm) ĐH D-2009

Một trong những đặc điểm cơ bản của nền văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 là chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.  Anh/chị hãy nêu những nét chính của đặc điểm trên.

 VD2: Làm gì có. Vì dạng này tuy không “quý” nhưng lại thực sự “hiếm”.

2. Kĩ năng làm bài (Cách trình bày)

Yêu cầu chung:

Thời gian thực hiện: không nên vượt quá 25 phút

– Nội dung: ĐÚNG và ĐỦ

– Hình thức:

+ Ngắn gọn, súc tích, rõ ràng. Ngôn từ, diễn đạt không cần văn hoa nhưng trình bày phải logic, trôi chảy.

+ NÊN trình bày thành những đoạn văn ngắn, có câu mở đầu giới thiệu chung vấn đề và có câu kết đánh giá ý nghĩa, giá trị của vấn đề.

– Cách làm:

+ Gạch nhanh các ý chính ra nháp (1 – 3 phút). Sắp xếp ý theo trình tự hợp lí. Các ý có thể chưa đầy ĐỦ nhưng phải là những ý ĐÚNG. Trong quá trình làm bài, có thể sẽ nhớ ra những ý còn thiếu.

+ Trình bày bài viết, đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức.

+ Khi đã làm xong câu 1, chuyển sang câu khác mà nhớ ra những ý còn thiếu của câu 1: ghi lại những ý thiếu ra nháp, sau khi hoàn thành câu đang làm dở, bổ sung nội dung cho câu 1. Ghi vào bài thi như sau: Câu 1 (Bổ sung)

KĨ NĂNG LÀM TỪNG DẠNG BÀI

Dạng 1: Hỏi về một chi tiết/hình ảnh trong tác phẩm

Tùy theo từng đề cụ thể, song về cơ bản, bài làm cần đảm bảo các nội dung sau:

– Tái hiện lại các chi tiết/hình ảnh/sự kiện trong tác phẩm: cần viết chính xác, đầy đủ các chi tiết liên quan. Tốt nhất là trích dẫn nguyên văn một (vài) đoạn độc đáo, ấn tượng, thể hiện rõ nét đặc sắc của chi tiết/hình ảnh ấy (các trích dẫn trực tiếp cần cho vào dấu ngoặc kép ” “). Nếu không thể trích dẫn trực tiếp có thể gián tiếp kể/tả lại chi tiết/hình ảnh đó.

– Nêu ý nghĩa của chi tiết/hình ảnh:

+ Ý nghĩa về nội dung (làm nổi bật tính cách nhân vật, thể hiện sống động nội dung, chủ đề, tư tưởng tác phẩm …)

+ Ý nghĩa về nghệ thuật (góp phần vào nghệ thuật xây dựng nhân vật, thúc đẩy cốt truyện, thể hiện phong cách/tài năng nghệ thuật độc đáo của nhà văn …)

Dạng 3, 4 : Tự “chém” vì yêu cầu không quá phức tạp, chủ yếu là học thuộc và ghi nhớ nội dung trong Sách giáo khoa.

Riêng Dạng 2 cần có sự tổng hợp kiến thức và thực sự nắm chắc nội dung và đặc sắc nghệ thuật của các tác phẩm. Đôi khi đề ra có đề cập đến một vài khái niệm lí luận văn học (nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình, tình huống truyện, cốt truyện, kết cấu, tính sử thi, cảm hứng lãng mạn, chủ nghĩa nhân đạo/hiện thực, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ….), các em cần trang bị cho mình kiến thức về các khái niệm này làm công cụ vì sẽ còn sử dụng rất nhiều trong quá trình học/thi. Khi nào rảnh rang thầy sẽ viết kĩ hơn về dạng này.

Thế đã nhỉ.

(Thầy Nguyễn Phi Hùng)

Bài 03. Bình giảng đoạn văn trong tùy bút Người lái đò sông Đà

Bài 03. Bình giảng đoạn văn trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.

BÀI LÀM

Người lái đò Sông Đà là một bút kí rất đặc sắc của Nguyễn Tuân rút từ tập Sông Đà (1960). Hình ảnh con sông Đà với hai đặc tính nổi bật là “hung bạo và trữ tình” đã được khắc hoạ thật đậm nét. Để có thể khách thể hóa được đối tượng và “đóng đinh” nó vào trí nhớ độc giả, Nguyễn Tuân đã tung ra nhiều “độc chiêu” ngôn ngữ tưởng chi mình không mới có. Khi miêu tả những con thác vô cùng “độc dữ, nham hiểm”, câu văn của ông mang nhịp điệu dồn dập, kích thích. Nhưng khi ca ngợi “con sông Đà gợi cảm”, câu văn lại thư duỗi hết sức êm ả nghe như một tiếng hát ngân nga. Văn Nguyễn Tuân gồm chứa cả hai cực đó là cực thứ hai – cực trữ tình mềm mại và thấm đượm một thứ “mĩ học hoài cựu” độc đáo được thể hiện rất rõ trong đoạn văn từ câu “Thuyền trôi trên sông” đến câu… “khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.

Nội dung của đoạn văn là nói về vẻ thơ mộng của Sông Đà ở quãng trung lưu. Thác ghềnh lúc này chỉ còn lại trong nỗi nhớ. Thuyền được trôi êm và câu văn mở đầu vì thế cũng trở nên lâng lâng, mơ màng, không vướng víu với một thanh trắc nào: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà”. Cái ý “lặng lờ” được nhắc đi nhắc lại mấy lần theo một kiểu trùng điệp rất đặc thù của thơ: “Cảnh ven sông ở đây lặng lờ, hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ như thế là thôi”, nghĩa là không thể lặng lờ hơn được nữa! Thiên nhiên thật hài hòa và mang vẻ trong trẻo nguyên sơ, dành riêng cho con mắt nhìn “xanh non” của tác giả những hình ảnh kì thú: “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm” Cảnh đã làm cho vị tình nhân của non nước Đà giang hết sức xúc động. Ông thấy cần phải nói thêm nữa để diễn tả cho cùng kiệt đặc tính của đối tượng: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa”. Những so sánh lạ lẫm, chính xác mà cũng thật Nguyễn Tuân! Nhà văn đã đi ngược thói quen, đem giải thích một đặc tính vốn đã khá trừu tượng bằng những khái niệm trừu tượng hơn nữa, khiến cho cảm giác trực tiếp bỗng mở ra những liên tưởng trùng trùng, bát ngát. Đi từ “hoang dại”, “hồn nhiên” là cái còn có thể cảm nhận được, đến “tiền sử” và “nỗi niềm cổ tích ngày xưa”, câu văn đã cập bờ siêu cảm giác, đòi hỏi người đọc phải tiếp nhận nó bằng siêu giác quan chứ không phải bằng giác quan bình thường. Trong câu tiếp theo: “Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên

Bái – Lai Châu”, một mặt nhà văn bộc lộ thèm ước muốn có tiếng còi kéo mình ra khỏi mạng lưới vô hình mà quấn chặt của giấc mơ xưa, mặt khác tạo nên một cái cớ tuyệt diệu để biến cả một đoạn văn thành một bài thơ siêu thực mà trong đó giữa người với cảnh có sự tương thông rất đỗi huyền nhiệm và cái hư phút chốc biến thành cái thực: “Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ đừ trôi trên một mũi đỏ. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi mình bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”

Người mơ cảnh cũng mơ, và cái thời điểm “ông khách sông Đà” bỗng nghe ra tiếng chú hươu gọi hỏi chính là đỉnh điểm của giấc mơ đó. Nhà văn đã khéo tạo được một giấc mơ ngay giữa ban ngày để rồi sau đó như sực tỉnh với tiếng động của “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến”. Phút sực tỉnh cũng là phút nhà văn hiến cho độc giả một hình ảnh cực kỳ sống động mà ai được một lần thấy trong đời hẳn phải nhớ mãi. Bút pháp mượn cái động để tả cái tĩnh đã được vận dụng ở đây hết sức đắc địa. Cảnh tĩnh lặng đến mức chỉ tiếng cá quẫy cũng đủ khiến ta phải giật mình. Nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, cái tĩnh không đồng nghĩa với sự phẳng lặng, đơn điệu mà vẫn luôn hàm chứa sự bất ngờ, vẫn không ngớt biến hóa. Theo con thuyền thả trôi, điểm nhìn của nhà văn liên tục di động và “di động” hơn nữa là cái nhìn của Nguyễn Tuân. Có vẻ như ông muốn học cách nhìn của “con hươu thơ ngộ”, “vểnh tai”, “nhìn không chớp mắt” những sự vật như hiện lên từ thế giới cổ tích, sau đó truyền sự bỡ ngỡ lại cho độc giả qua những từ dùng độc đáo, sáng tạo, kích thích rất mạnh giác quan và vốn ngôn ngữ của chúng ta: “thơ ngộ”, “đầu nhung”, “áng cỏ sương”, “tiếng còi sương…”. Vật nào cảnh nào được cây đũa thần của nhà văn động đến đều cựa quậy, không chịp ép mình làm một tiêu bản dẹt. Có lúc, Nguyễn Tuân như vượt qua lề luật của phép diễn đạt thông thường để viết: “Đàn cá đầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi”. Có thể nói câu văn kia đã được viết theo bút pháp của hội họa “lập thể” mà mục đích của nó là muốn cùng một lúc thấy được sự vật ở nhiều chiều. Trước một nét miêu tả rất cô đọng như thế, ta không chỉ thấy mà còn nghe – thấy cái lấp lánh ánh bạc của bụng cá và nghe tiếng quẫy nước rộn ràng vang ngân.

Nguyễn Tuân là người hết sức nặng tình với con sông đất nước. Trong khi thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của Sông Đà, trong ông dậy lên bao mối liên tưởng về lịch sử, dậy lên cảm giác hàm ơn sâu xa đối với cổ nhân. Việc ông nhắc tới đời Lý, đời Trần, đời Lê và câu thơ của Tản Đà cho thấy rõ một thiên hướng bộc lộ cảm xúc rất đặc thù của người từng viết “Vang bóng một thời. Nhưng trước vẻ “hoang dại” của bờ sông Đà, nhà văn cũng có những suy nghĩ mang tính tích cực của người công dân mới, mong cuộc sống hiện đại tỏa chiếu ánh sáng lên cả chốn sơn cùng thuỷ tận. “Tiếng còi sương” xuất hiện ở đây ngân xa như một khát vọng, nó hài hòa với cảm hứng lịch sử, tạo cho đoạn văn một vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại. Đối với Nguyễn Tuân, những cái gì mang trong nó hơi thở ấm áp của cuộc đời đều để thương, để nhớ, để lưu luyến cho ông. Trong những câu cuối của đoạn văn này, ông đã trải lòng mình ra với dòng sông, hóa thân vào nó để lắng nghe và xúc động: “Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”. Qua mỗi dặm đường đất nước, nhà văn đều thấy cảnh vật và con người gắn quyện với nhau rất chặt chẽ.

Yêu sông Đà cũng chính là yêu Tổ quốc và yêu con người Việt Nam – những “đồng tác giả” của trăm vẻ đẹp từng làm đắm đuối lòng ta trên “trăm dáng sông xuôi” (ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm).

Chỉ mới qua một đoạn trích ngắn ngủi, ta chưa có điều kiện thấy hết những đặc sắc của văn Nguyễn Tuân. Nhưng chừng ấy tưởng cũng đã đủ để ta quý trọng một tài năng, một tấm lòng, một Nguyễn Tuân – con người suốt cuộc đời đi tìm cái đẹp trong cuộc sống để sáng tạo nên những áng văn đẹp làm phong phú, giàu có thêm đời sống tinh thần của tất cả độc giả chúng ta.

(Nguồn: Sưu tầm)